Du lịch là hành trình khám phá, trải nghiệm, là những chuyến đi thư giãn tìm về với thiên nhiên, với vẻ đẹp văn hóa in dấu trên các vùng miền, quốc gia, dân tộc khác nhau. Ngũ Hành Sơn từ bao đời nay là điểm hẹn của những chuyến đi như thế. Từ các vị chính khách, nhân sĩ, văn nghệ sĩ đến khách du lịch bình thường đều có cảm nhận sâu lắng về những điều thiêng liêng, kỳ diệu khi đã một lần đặt chân đến những ngọn núi này
Ngày nay, du lịch là nhu cầu tất yếu của con người. Đời sống xã hội càng cao, nhu cầu du lịch càng lớn. Ngoài các loại hình du lịch phổ biến, thời gian gần đây, người ta hay nói đến tiềm năng của loại hình du lịch tâm linh (hay còn gọi là du lịch văn hóa tâm linh) và đề ra các định hướng để phát triển loại hình du lịch này.
Du lịch văn hóa tâm linh là loại hình du lịch hướng đến nẻo thiện, thông qua di tích, chùa chiền, thánh địa, lăng tẩm… để con người tìm đến ánh sáng đức tin, sự mầu nhiệm tôn giáo nhằm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Với danh thắng Ngũ Hành Sơn, có thể nói đây là điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh từ rất sớm.
Vào cuối thế kỷ XVII, nhận lời thỉnh nguyện của chúa Nguyễn Phúc Chu, thiền sư Thích Đại Sán – một thiền sư nổi tiếng và có uy tín từ Quảng Đông, Trung Hoa cùng đoàn tùy tùng và tăng ni đã sang xứ Đàng trong để hoằng dương Phật pháp. Trong thời gian lưu lại ở xứ Đàng trong, vị sư này với đoàn hành hương của mình đã vượt bao chướng ngại lên núi Tam Thai (Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn ngày nay) để viếng chùa, thưởng ngoạn cảnh đẹp.
Trước bức tranh “sơn kỳ thủy tú” của thiên nhiên và không gian huyền ảo của chùa chiền, hang động đầy chất thiền vị, tâm linh, nhà sư cảm thấy như đang lạc bước vào cõi bồng lai. Những bài thơ để lại cùng những ghi chép cụ thể trong “Hải ngoại ký sự”của thiền sư đã cung cấp cho ta nhiều tư liệu, chi tiết hấp dẫn, lý thú về cảnh sắc Ngũ Hành Sơn thời bấy giờ và chính nhà sư cũng là người khách nước ngoài - người khách “du lịch tâm linh” đầu tiên đến tham quan tại khu danh thắng này.
Đến đầu thế kỷ XIX, vua Minh Mạng, vị vua sùng bái đạo Phật của triều Nguyễn cũng đã ba lần ngự du đến Ngũ Hành Sơn để lễ chùa, viếng cảnh, ban phát những ân sủng cho các tăng ni, cho xây dựng chùa chiền, phát triển đạo pháp. Dù trăm công nghìn việc của triều chính mà nhà vua vẫn dành thời gian (ba lần) đến thăm Ngũ Hành Sơn quả là điều ít có. Phải chăng cảnh sắc và những điều tâm linh, huyền bí từ những ngọn núi thiêng đã chinh phục và thu hút vị hoàng đế này?
Dẫn chứng lịch sử trên cho thấy, những chuyến hành hương của các “yếu nhân” đến Ngũ Hành Sơn cách đây hai, ba thế kỷ trước đích thực là những chuyến “du lịch văn hóa tâm linh”, theo cách gọi ngày nay. Bởi chủ thể của những chuyến đi đó là tìm tới vẻ đẹp văn hóa, hướng tới sự mầu nhiệm tâm linh, biểu thị sùng bái tôn giáo để thỏa lòng tín ngưỡng.
Ngũ Hành Sơn từ các thập niên 50, 60 về trước, thời mà khái niệm du lịch chưa được phổ biến, chưa có công nghệ quảng bá trên các phương tiện truyền thông, con người vẫn cứ đến chùa, vãn cảnh như một đòi hỏi tinh thần, bởi ở đó có đức Phật, có thần linh và có cả không gian nên thơ, quyến rũ. Họ đến để đi chùa và thưởng lãm cảnh đẹp. Đơn giản thế thôi, không chương trình, không kế hoạch, không yêu cầu các dịch vụ gì cả, nhưng rất đông, hàng vạn, hàng vạn người từ các nơi lũ lượt đổ về Ngũ Hành Sơn trong những ngày lễ, Tết.
Nhu cầu tìm đến tham quan một thắng tích nổi tiếng như Ngũ Hành Sơn cũng như các thắng tích, di sản, thánh địa khác không phải là nhu cầu mới có hôm nay mà nhu cầu đó đã có từ rất sớm để sau này phát triển thành loại hình du lịch văn hóa tâm linh.
Ngày nay các loại hình du lịch vô cùng đa dạng, phong phú. Du lịch văn hóa tâm linh được khách trong nước cũng như khách nước ngoài ngày càng hướng đến. Hằng năm, tại khu danh thắng này đã đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, viếng chùa, trẩy hội, trong đó nhu cầu du lịch văn hóa tâm linh chiếm tỷ lệ rất cao.
Do đặc thù và tiềm năng có được, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn có điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch làng nghề v.v… nhưng điều hội tụ nhất, đặc trưng nhất vẫn là du lịch văn hóa tâm linh. Bởi không có di tích nào lại có hàng chục ngôi chùa đang tồn tại từ nhiều thế kỷ nay, trong đó, có hai Quốc tự được vua triều Nguyễn sắc phong. Chiếu theo các di vật, cổ vật còn lưu giữ tại các chùa đến các bút tích, các văn bia, các điển tích Phật giáo được truyền tụng, bảo tồn đến nay đã minh chứng bề dày về lịch sử phát triển của văn hóa Phật giáo tại khu thắng tích thiêng liêng này.
Chùa và động ở Ngũ Hành Sơn có mối quan hệ tương quan và có ý nghĩa tâm linh sâu sắc “chùa làm cho động có sinh khí, động lại làm cho chùa thêm linh thiêng”. Động Quan Âm và động Âm Phủ được xem là hai hang động có nhiều điều tâm linh, huyền bí nhất. Động Quan Âm khi mới bước vào ta thấy ngay ngài Bồ Tát Quan Thế Âm cao như người thật với lớp áo kim tuyến lấp lánh, kết tinh từ loại đá kim sa quí hiếm của thiên nhiên, tay cầm bình Cam lồ, chân đứng trên mình con rồng uốn lượn như đang vượt qua cơn sóng dữ để cứu người gặp nạn. Phía sau có Thiện Tài Đồng Tử và những bụi trúc, phía trước có chim Khổng Tước đang sải cánh bay giữa bầu trời. Trên các vách động, thạch nhũ tạo ra những hình tượng kỳ lạ, thú vị, nào là Tiên ông đang thanh thản đánh cờ, nào là những chú hưu cao cổ bước đi trong rừng sâu núi thẳm v.v… Giữa trần động, một thạch nhũ dài thòng xuống gần chạm đất, khi gõ vào âm thanh tạo ra như tiếng chuông thật, kế bên còn có cả trống và mỏ đá tự nhiên. Những khí cụ trên là bộ nhạc lễ của nhà Phật… tất cả đều kết tinh bằng đá, hiện hữu trước mắt ta như một điều kỳ diệu. Chính sự hiển thị hình tượng Quan Âm trong hang động dưới ngọn Kim Sơn – Ngũ Hành Sơn mà sau này các nhà sư đã định danh cho ngôi chùa tại đây là Quan Âm và hình thành nên lễ hội Quán Thế Âm, một lễ hội tâm linh nổi tiếng của Đà Nẵng.
Với động Âm Phủ, sự ngẫu nhiên sắp đặt của tạo hóa cũng không kém phần thiêng liêng; nào là cầu Nại Hà, khu Anh Linh Đài, đường lên Tiên Giới; nào là khu phán xét, khu xử tội, khu đày ải tội đồ dưới các tầng địa ngục đến khu Địa Tạng Bảo Tòa… Các phân khu được sắp đặt một cách hữu ý và hợp lý. Tất cả như có bàn tay kiến trúc, tạo dựng tự nhiên để làm nên một thế giới Âm Phủ.
Tính chất tâm linh ở Ngũ Hành Sơn còn in dấu qua các di tích Chămpa tại các hang động. Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XIII dân tộc Chămpa đã đến những ngọn núi này, biến các hang động làm nơi thờ tự các vị thần linh của mình. Những bệ thờ trong động Tàng Chơn đến các khối đá sa thạch trong động Huyền Không đều chạm trổ các vị thần. Những khối đá điêu khắc Chămpa còn lại ở Ngũ Hành Sơn không những có giá trị về mặt văn hóa, nghệ thuật mà còn là dấu tích minh chứng hùng hồn về những điều tâm linh từ các thế kỷ trước.
Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây Ngũ Hành Sơn được các tổ chức, hiệp hội, các đoàn lữ hành đánh giá và tôn vinh là điểm đến du lịch tâm linh, hấp dẫn: Năm 2000, Tổng cục du lịch Việt Nam công nhận Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn là một trong 15 lễ hội Quốc gia. Năm 2011 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam do đề cử, giới thiệu của Hiệp hội du lịch đã chọn Ngũ Hành Sơn là Top 10 – điểm du lịch tâm linh thu hút nhất. Gần đây, trang website về du lịch TripAdvisor có trụ sở tại Mỹ đã bình chọn Đà Nẵng của Việt Nam đứng đầu danh sách những “điểm du lịch đáng đến nhất thế giới” năm 2015, trong đó có những lời khen ngợi danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Du lịch tâm linh không đồng hành với mê tín dị đoan, với đồng bóng, bói toán, không phải là điểm đến của cầu danh, cầu lợi mà là hành trình tìm về chính mình, ở đó con người bắt gặp sự thuần khiết và thanh cao của tâm hồn, tiết chế những điều xấu xa, tội lỗi, bồi đắp tinh thần hướng thượng để cuộc sống đẹp hơn, hoàn thiện hơn.
… “Vô ngôn Phật đạm tâm hồn khách
Nhạc nhược tu thân khách tự giai ”
(thơ Ngũ Hành - Thích Giác Hưng)
Việt Nam là một đất nước có nhiều thắng tích, thánh địa, di sản nổi tiếng để khai thác du lịch văn hóa tâm linh, trong đó có danh thắng Ngũ Hành Sơn. Trong những năm gần đây, du lịch tâm linh có chiều hướng phát triển và có chỗ đứng trên bản đồ du lịch.
Hiểu để khai thác hiệu quả loại hình du lịch này là việc làm của các chuyên gia du lịch, các nhà quản lý văn hóa, các đơn vị kinh doanh lữ hành... Với chúng ta, những người đang quản lý, bảo vệ khu di tích văn hóa tâm linh này cần nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm trong việc đảm bảo tôn nghiêm những nơi thờ tự, giữ gìn nguyên vẹn các công trình di tích, xây dựng các cơ sở lưu trú, tạo không gian thanh tịnh để du khách có nơi dừng chân, tịnh tâm, tĩnh dưỡng… là điều kiện góp phần mang lại hiệu quả trong việc phục vụ nhu cầu cho loại hình du lịch này.