Lãnh đạo TP Đà Nẵng chỉ đạo lấy ý kiến rộng rãi, thấu đáo của các nhà chuyện môn và người dân về đồ án quy hoạch tổng thể khu vực ven sông Hàn và cảng Sông Hàn do Công ty JINA (Hàn Quốc) đề xuất.
Bờ sông không của riêng ai
Sáng 12.6, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng và ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP đã chủ trì cuộc họp nghe Công ty Tư vấn thiết kế JINA (Hàn Quốc) báo cáo đề án quy hoạch tổng thể khu vực ven sông Hàn (từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý) và khu vực cảng Sông Hàn theo đặt hàng của chính quyền TP Đà Nẵng.Theo ông Do Yeon Kim, Giám đốc điều hành Công ty JINA, Đà Nẵng may mắn có sông Hàn thơ mộng chảy giữa lòng TP nhưng do chưa có quy hoạch tổng thể nên thật khó có thể cho rằng khu vực này có sự hòa hợp. Bờ sông hẹp và dài, đường ven sông chỉ là đường thẳng tuyến tính, đơn điệu, khó tìm thấy những nơi có đầy đủ không gian hoặc công năng đặc biệt ở các khu vực giao điểm.
“Vì dòng sông không phải là sở hữu của một cá nhân nào nên bờ sông cũng tương tự như vậy. Người dân cần được tạo điều kiện tiếp cận bờ sông và có các công trình tiện ích phù hợp với từng đặc điểm văn hóa. Các khu vực công cộng có thể giúp hòa hợp không gian chung quanh và người dân, du khách có được vô số trải nghiệm. Việc tạo ra đường bờ sông năng động hơn sẽ khiến không gian ven sông thân thiện với sông nước hơn, tạo ra vô số điểm cho các hoạt động khác nhau” – ông Do Yeon Kim nói.
Theo đó, phương án của JINA hướng tới việc tạo ra một sông Hàn tầm cỡ thế giới, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tập trung vào 4 điểm lõi theo 4 tầm nhìn (ven sông xanh, ven sông công cộng, ven sông có sự liên kết và ven sông mang tính du lịch) và 9 điểm phụ. Các khu vực ven sông tuyến tính sẽ liên kết với các điểm lõi này thành một khu vực tuần hoàn liên tục. Đây sẽ là nơi mọi người có thể ra khỏi cảnh phố xá đông đúc và tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi thoải mái với thiên nhiên.
Trục “biểu tượng” trên sông Hàn
Ông Do Yein Kim cho hay, vì sông Hàn chỉ có 5% không gian xanh nên phương án của JINA đề xuất tăng tỉ lệ không gian xanh lên tới 10% để phù hợp với những thay đổi khí hậu toàn cầu cũng như tạo ra môi trường mặt nước dễ chịu, hình thành nên hệ thống cây xanh – mặt nước thân thiện với môi trường sinh thái, đảm bảo sự tuần hoàn về nước, rừng và bầu khí quyền trong lành của TP. Đồng thời có những thay đổi ở khu vực ven sông hẹp, tuyến tính thành khu vực có nhiều không gian năng động.Một không gian xanh rộng lớn, vòi nước cao hình rồng, khu vườn mùa xuân và quảng trường gắn với dòng sông sẽ được quy hoạch chung quanh cầu Trần Thị Lý. Khu vực gần cầu Rồng sẽ bố trí một số công trình tiện tích ngoài trời nổi bật về đêm. Cảng Sông Hàn được quy hoạch thành bến duy thuyền và khu phức hợp với các tầng cao khác mhau dành cho khách du thuyền chờ đợi, nghỉ ngơi, đi dạo.
Ở khu vực khán đài xem pháo hoa bên bờ Đông, sông Hàn sẽ được “xẻ” sâu vào bờ, hình thành công viên trung tâm trên cao (băng qua đường Trần Hưng Đạo vươn ra sông) nhằm tăng cường không gian xanh, không gian công cộng và thu hút khách trong mùa lễ hội. Ở khu vực cầu Thuận Phước sẽ có đài quan sát, công viên nước tuyến tính, đảo nhân tạo để tạo điểm nhấn đặc biệt cho cửa ngõ sông Hàn.
Đặc biệt, sẽ có một lối đi bộ dài 2,5km với nhiều công trình tiện ích sẽ được hình thành bên bờ sông Hàn nhằm tạo ra một không gian thân thiện với môi trướng sinh thái và mang lại nhiều trải nghiệm cho khách du lịch. Ngoài ra, các yêu cầu về bãi đỗ xe, mối liên kết giữa các bến du thuyền, bố trí các khu dân cư, tầng cao của các công trình xây dựng… cũng được phương án thiết kế đề cập cụ thể nhằm tạo nhiều tiện ích về thương mại, văn hóa và dân cư.
“Với quy hoạch này, sông Hàn sẽ có một “trục biểu tượng” bắt đầu từ đài quan sát ở phía Bắc và kết thúc ở Vòng quay Mặt trời ở phía Nam. Và những tòa tháp cao tầng tạo điểm nhấn sẽ được đặt ở đầu sông Hàn (cạnh cầu Thuận Phước) và điểm cuối (cạnh cầu Trần Thị Lý) sẽ đóng vai trò như cửa ngõ vào sông Hàn” – ông Do Yeon Kim mô tả.
Lấy ý kiến rộng rãi, thấu đáo của các nhà chuyên môn và người dân
Theo ông Do Yeon Kim, quy hoạch nêu trên cần được phân kỳ thực hiện trên cơ sở cân nhắc các yếu tố tài chính và thời gian để thiết lập hình ảnh TP. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai cảng Sông Hàn và công viên trung tâm trên cao để tạo thành điểm lõi của sông Hàn. Đặc biệt, ông lưu ý, một trong những nhân tố quan trọng để phát triển khu vực sông Hàn là phải có sự quản lý chặt chẽ về đô thị và tài chính.“Để quy hoạch này trở thành khung tổng thể có hiệu quả cho tương lai phát triển của sông Hàn và Đà Nẵng, cần có hệ thống quản lý đô thị khá toàn diện và chặt chẽ giữa các ban, ngành hữu quan; đồng thời có các chương trình, quy định để giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch sông Hàn. Đà Nẵng hướng tới một TP hấp dẫn, lý tưởng và phát triển bền vững ở Đông Nam Á thì vấn đề thời gian là rất quan trọng!” – ông Do Yeon Kim nhấn mạnh.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn và các sở, ngành hữu quan, ông Trần Thọ nêu rõ, quy hoạch sông Hàn phải được làm một cách bài bản. Do vậy Sở Xây dựng cần cập nhật và cung cấp đồng đủ mọi thông tin cho đơn vị tư vấn thiết kế. Quy hoạch do JINA đưa ra cần có sự đồng bộ với một số dự án trên sông Hàn đã được phê duyệt quy hoạch, cấp phép đầu tư và đang triển khai chứ không nên để gây ra xung đột.
Ông Trần Thọ cũng yêu cầu Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng dành thời gian thỏa đáng để các bộ phận chuyên môn trong đơn vị “mổ xẻ” đồ án của JINA một cách kỹ lưỡng, đầy đủ nhằm tìm ra phương án tốt nhất, báo cáo UBND TP. UBND TP dành một khoản kinh phí giao cho Sở Xây dựng hoặc Hội Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức phản biện một cách công khai, thấu đáo “vì cái này rất lớn, không phải bây giờ mà còn lâu dài nữa”.
“Ngoài các hình thức phản biện trên còn qua các kênh thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi của người dân, vì mục tiêu của việc làm đồ án này là phục vụ người dân. Sau khi tiếp thu các ý kiến phản biện sẽ đưa ra báo cáo cho Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch của TP nghe thêm lần nữa để kết luận đồ án này, trình UBND TP phê duyệt. Sau khi phê duyệt thì dứt khoát phải quản lý quy hoạch cho tốt, không để tình trạng người này nghỉ, người khác lên lại thay đổi xoành xoạch. Người nào làm thì cũng phải tôn trọng quy hoạch này để triển khai” – ông Trần Thọ nói.
Về phân kỳ thực hiện, theo ông Trần Thọ, nếu quy hoạch được phê duyệt sớm thì tập trung làm ngay khu cảng Sông Hàn hiện nhếch nhác quá. Sở KH-ĐT ghi vốn, đưa ra HĐND TP quyết định và bắt tay vào triển khai nhanh. Trước mắt, bố trí vốn trong 6 tháng cuối năm 2015 để làm công tác chuẩn bị đầu tư khu vực cảng Sông Hàn để đầu năm 2016 bắt đầu triển khai.
Nguồn : infonet
VIDEO CẦU SÔNG HÀN QUAY VỀ ĐÊM