Từ lâu làng Chuồn đã nổi tiếng với nhiều đặc sản. Là một trong ít làng có lễ hội làng được tổ chức vào ngày 16 và 17-7 âm lịch thường niên. Làng Chuồn cũng nổi tiếng với nhiều món ẩm thực như bánh tét làng Chuồn, rượu gạo làng Chuồn, bánh xèo cá kình làng Chuồn.
Trong các món ẩm thực, món bánh xèo cá kình lại gắn với chợ. Không có quán bánh xèo ở làng này mà chỉ có những quầy bánh xèo ở chợ. Khi chợ đông người cũng là lúc các quầy bánh xèo đỏ lửa. Cũng đơn giản, không cầu kỳ. Mỗi quầy có khoảng 4 -5 khuông đổ bánh, một chiếc bàn nhỏ, vài chiếc đòn nhỏ để thực khách ngồi. Nói là thực khách cho lạ một chút chứ thực ra phần lớn những người ăn bánh xèo cá kình vào mỗi buổi sáng là người của làng.
Bánh xèo, bánh khoái là hai tên gọi khác nhau của một loại bánh, chắc trong đời mọi người đã ít nhất một lần được thưởng thức. Cái lạ, cái ngon ở bánh xèo làng Chuồng chính là con cá kình. Và nữa, đó còn là không gian ăn, cách ăn. Vào buổi sáng, cá từ đầm phá được đưa vào còn tươi nguyên. 5 loại cá nổi tiếng thơm ngon của đàm phá là cá ong, cá dìa , cá mú, cá nâu, thì trong đó có cá kinh. Thịt cá dai, thơm, ngọt. Ăn bột bánh là để no, ăn cá là để thưởng thức hương vị. Tại chợ làng Chuồn có 5 quầy bánh xèo như thế này. Người làng Chuồn không bao giờ ăn bánh xèo mà dùng đũa. Nước mắm chấm phải là nước mắm ruốc ngon. Tôi cố tìm hiểu xem món bánh xèo làng Chuồn có từ bao giờ nhưng chẳng ai biết. Họ chỉ nói rằng có từ lâu lắm. Đình làng An Truyền có từ hơn 500 năm, không biết lúc lập làng đã có món bánh xèo này chưa.
Nói là bánh xèo cá kình làng Chuồn là một cách nói chung. Chứ thực ra không chỉ có cá kình. Có thể là cá ong, tôm rảo, tôm sú. Tôi chưa thấy ở nơi nào, có một món ăn và có một cách ăn thú vị đến vậy. Sự mộc mạc của một món ăn chỉ có đến thế là cùng. Ở Huế, dạng bánh đổ như thế này người ta gọi là bánh khoái. Người làng Chuồng không gọi như vậy mà gọi là bánh xèo. Có lẽ là chỉ dựa vào âm thanh khi đổ bánh. Phần lớn người ăn bánh xèo cá kình làng Chuồn là tự mình mua cá, mua tôm. Muốn ăn mấy con mua mấy con. Ưng ăn cá lớn mua cá lớn, ưng ăn cá nhỏ mua cá nhỏ. Thích tôm mua tôm thích cá mua cá. Cũng có thể họ không phải mua mà tự tay mình đánh bắt được từ đầm phá. Rồi đem đến các quầy bánh xèo ở chợ nhờ đổ bánh.
Những quầy bán bánh xèo họ chỉ có nguyên liệu là bột. Tiền thu được là tiền công đổ bánh. Đổ bánh với loại cá nhỏ tính cả bột lấy tiền công 500 đồng. Với loại cá lớn lấy tiền công 700đ. Thế nên người nào đến quầy bánh xèo cũng xách theo một túm cá tôm. Đặc sản tươi ngon của đầm phá được chế biến một cách dân dã và mộc mạc, một không gian ăn dân dã, một cách ăn dân dã. Sự hòa trộn các yếu tố đó một cách tài tình là để giữ cái chất nguyên sơ của sự hình thành một món ăn. Rời khỏi không gian đó, cách ăn đó chắc cảm giác về sự thú vị sẽ vơi đi rất nhiều...
Xem thêm : Khám Phá Cố Đô Huế
Tổng hợp